Theo quan niệm xưa có nhiều điều kiêng kỵ trong khi ăn uống có thể ảnh hưởng đến tài vận, mang lại điềm xấu.
Những điều kiêng kỵ khi ăn có thể đem lại điềm gở cần tuyệt đối tránh
Gõ bát ăn cơm là nghèo cả đời
Nhiều bậc phụ huynh thường nghiêm cấm con cái dùng đũa hoặc thìa gõ vào bát cơm, bởi theo quan niệm dân gian, âm thanh này có thể thu hút những vong hồn lang thang, không nơi nương tựa về phá nhà.
Ngoài ra, người xưa truyền lại chỉ có ăn mày mới gõ vào bát để xin đồ ăn những người qua lại, Vì vậy, hành động gõ vào bát trong bữa cơm được hiểu như nhà đang gặp cảnh khốn khó, túng thiếu và ảnh hưởng tới tài lộc của gia chủ.
Cắm đũa vào bát cơm
Người xưa thường cắm đũa thẳng đứng vào bát cơm để dâng cúng tổ tiên, tạo ra mối liên hệ với người chết, giống như việc thắp hương.
Chính vì vậy, nếu làm hành động này trong bữa cơm sẽ mang lại xui rủi và không may mắn.

Nối đũa
Bạn không nên dùng đũa của mình để nhận thức ăn từ đũa của người khác, hay còn gọi là nối đũa. Thay vào đó, bạn nên đưa bát ra để nhận phần thức ăn mà người khác gắp cho.
Hành động nối đũa thường gợi liên tưởng đến nghi thức gắp tro cốt của người chết sau khi hỏa táng, vì vậy đây được xem là điều kiêng kỵ trong bữa ăn.
Đặt đũa không đồng đều trên bàn ăn
Trước và trong bữa ăn, không nên đặt đũa dài ngắn không đồng đều trên bàn, vì điều này được cho là mang đến điềm xấu. Người xưa gọi đây là “tam trường lưỡng đoản” (ba dài hai ngắn), ý nói là chuyện không may xảy ra, đại biểu cho “tử vong”.
Theo phong tục xưa, khi một người qua đời sẽ được đặt vào quan tài, mà lúc quan tài chưa đậy nắp quan tài sẽ thấy nó được tạo thành bởi 5 tấm ván gỗ dài ngắn khác nhau.
Do đó, người xưa rất kiêng kỵ việc đặt đũa không đều trên bàn ăn, bởi nó bị xem là điềm cực kỳ xấu, cần tuyệt đối tránh.
Đánh rơi đũa xuống đất
“Lạc địa kinh Thần” nghĩa là đánh rơi đũa xuống đất, một hành động được coi là thất lễ nghiêm trọng. Cổ nhân cho rằng, tổ tiên an nghỉ dưới lòng đất, và việc làm rơi đũa sẽ làm kinh động đến tổ tiên dưới đất, đây là đại bất hiếu.
Tuy nhiên, việc vô tình làm rơi đũa trong bữa ăn là điều khó tránh. Vì vậy, người xưa thường có một cách hóa giải: khi lỡ tay làm rơi đũa, hãy nhanh chóng ngồi xuống cầm đũa vẽ lên chỗ đất đó một chữ thập theo hướng Đông Tây trước Nam Bắc sau. Đồng thời, họ thành tâm nhận lỗi và thỉnh cầu tổ tiên tha thứ.
Đặt đũa chéo nhau
Hành động này thường bị mọi người bỏ qua, nhưng khi ăn cơm, nhiều người thường tùy tiện gác chéo đũa trên bàn. Người xưa xem hành động này là có ý phản định, phủ nhận toàn bộ những người ngồi cùng bàn.

Rơi vỡ bát đĩa
Khi ăn cơm, bạn nên giữ bát của mình thật chắc chắn, tránh làm rơi rớt. Bởi vì trong phong thủy Á Đông, việc chén bát, đĩa thìa bị rơi vỡ được xem là điềm báo cho sự rạn nứt, ly tán trong gia đình. Nếu vô tình làm rơi bát đĩa trong bữa ăn, điều này sẽ đánh thức năng lượng xấu, gây bất hòa trong gia đạo và khiến cuộc sống gia đình khó lòng an yên.
Những quy tắc khi ăn cần nhớ
Quy tắc bới cơm
Khi mở nồi cơm, dùng đũa bếp hoặc vá (muôi ở miền Bắc) để đánh đều cơm cho tơi rồi xới vào chén.
Kiêng bới 1 muôi, tức chỉ 1 lần múc cơm bởi đây là bới cơm cúng người đã khuất.
Không xới đầy chén, vì đối với một số người, điều này được coi là bất lịch sự. Chỉ nên bới khoảng 2/3 chén là được.
Không ăn trước chủ nhà
Theo phong tục truyền thống, trong bữa ăn, khách thường đợi chủ nhà bưng bát lên đầu tiên rồi mới bắt đầu dùng bữa. Ở nhiều nơi, mọi người cũng phải mời nhau trước khi nâng đũa. Đôi khi, chủ nhà sẽ mở đầu bữa tiệc bằng cách tiếp đón và mời khách trước như một niềm vinh hạnh, đồng thời tạo không khí thoải mái để mọi người dùng bữa tự nhiên.
Tuy nhiên, theo phép tắc, chúng ta vẫn nên tôn trọng chủ nhà và để họ khai vị trước. Bên cạnh đó, trẻ em cũng cần đợi đến người lớn ăn trước rồi mới ăn.
Không bới đồ ăn
Có thể bạn đã quá quen với việc dùng bữa cùng gia đình, đến nỗi khi ăn cùng người khác, bạn vẫn giữ thói quen bới đồ ăn để tìm món mình thích. Tuy nhiên, hành động này được xem là bất lịch sự đấy nhé!
Không rung chân
Rung chân không chỉ là thói quen thiếu lịch sự mà theo tướng số, nó còn được coi là dấu hiệu của sự nghèo đói. Người thường xuyên rung chân được xem là luôn trong trạng thái bất an và khó có thể tích lũy được tài sản.
Tục ngữ có câu “Nam đẩu cùng, nữ đẩu tiện” nghĩa là “Nam rung chân thì nghèo, nữ rung chân thì thấp hèn”. Vì vậy, bạn nên bỏ thói quen này, không chỉ trong bữa ăn mà cả những lúc khác.
Hơn nữa, thói quen rung chân dễ gây khó chịu và tạo sự phản cảm với người đối diện, đặc biệt là người lớn tuổi.
Không để tay dưới bàn
Một điều ít ai để ý là không nên để tay dưới bàn hay ngoài tầm mắt khi ăn cơm, vì việc ăn mà không nâng bát được xem là tướng của người cùng cực.
Hơn nữa, khi để tay lên bàn, bạn sẽ tạo cảm giác an toàn cho người đối diện, giúp họ yên tâm rằng bạn không giấu thứ gì nguy hiểm như dao hay vũ khí trong tay. Quy tắc này cũng có ở nhiều quốc gia như Nga và Tây Ban Nha.
Vì vậy, dù chỉ sử dụng một tay để ăn, bạn cũng nên đặt tay còn lại lên bàn hoặc cạnh bàn, thay vì để trên đùi hay thả lỏng xuống dưới.
Không tạo tiếng ồn khi ăn
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, mọi người đều cảm thấy khó chịu khi nghe tiếng húp thức ăn soàm soạp và cảnh tượng người đối diện nhai nhồm nhoàm đồ ăn trong miệng.
Theo những quy tắc hành xử mà cha ông ta truyền lại, việc ăn mà mở miệng không chỉ là bất lịch sự mà còn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tiếng soàm soạp khi uống trà, súp hay các loại đồ uống khác cũng bị coi là khiếm nhã.
* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Nguồn: Tổng hợp