Cây hồng môn với ý nghĩa phong thủy tốt lành, dễ trồng và ít cần chăm sóc, đang được nhiều người lựa chọn để tô điểm không gian sống và nơi làm việc.
Nguồn gốc của cây hồng môn
Cây hồng môn, tên khoa học Anthurium andraeanum, thuộc họ Ráy (Araceae), có nguồn gốc từ Colombia và Ecuador. Loài cây này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như buồm đỏ, môn hồng, vĩ hoa tròn hay cây hồng môn đỏ.
Cây hồng môn là loài cây thân thảo, có kích thước nhỏ với thân ngắn và thường mọc thành bụi. Lá cây có màu xanh hình trái tim, dài từ 18cm đến 30cm, lá non có màu nhạt và đậm dần khi trưởng thành. Cuống lá có chiều dài khoảng 30cm đến 40cm và có hình ống trụ. So với các loại cây cảnh khác, cây hồng môn có tuổi thọ tương đối cao.
Hoa hồng môn không mang vẻ đẹp quý phái nhưng lại sở hữu nét đặc trưng riêng, bình dị và gần gũi. Hoa mọc thành cụm, có dạng mo trên một cuống dài và cong. Mo hoa có màu đỏ tươi, hình bầu dục với đầu nhọn và góc hình tim, nổi bật với các gân xanh. Cụm hoa có màu vàng nhạt, tạo nên sự kết hợp tinh tế và nổi bật.
Ý nghĩa phong thủy của cây hồng môn
Trong phong thủy, cây hồng môn có ý nghĩa đem lại may mắn, tài lộc và thịnh vượng cho gia chủ. Tên gọi của cây được ghép từ hai chữ “hồng” và “môn”. Trong tiếng Trung, “hồng” nghĩ là màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc, còn “môn” ám chỉ cánh cửa, thứ rất quan trọng trong văn hoá xưa. Vì vậy, hồng môn được hiểu là cánh cửa mở ra những may mắn và hạnh phúc.
Lá cây hồng môn có hình trái tim với màu xanh đậm, tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu và chân thành. Đối với những người làm kinh doanh, đặt một chậu hồng môn trên bàn làm việc hoặc ở quầy lễ tân không chỉ giúp trang trí không gian mà còn mang đến may mắn, thuận lợi và tài lộc.
Hoa hồng môn có hình dáng giống trái tim nên dù mang màu sắc gì thì đây cũng là loại cây biểu tượng của tình yêu bền vững. Ở một số nơi, cây còn được xem là biểu trưng của sự hiếu khách, thể hiện sự đón tiếp nồng nhiệt và trân trọng.
Cách trồng và chăm sóc cây
Có hai cách chọn khi giống cây hồng môn để trồng. Nếu là cây một thân thì cắt phần chồi từ cây mẹ đã có rễ. Nếu cây đã có sẵn hai chồi thì tách chúng ra để trồng thành hai cây riêng biệt.
Sau khi lựa chọn giống cây, bước tiếp theo là chuẩn bị đất trồng. Đất cần phải có độ tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Để cải thiện chất lượng đất, có thể bổ sung phân chuồng hoặc xơ dừa.
Khi trồng, đặt cây giống vào chậu và lấp đất vừa phải, không ấn quá chặt, tưới nước đầy đủ và đặt cây ở nơi bóng mát. Dần dần cây con sẽ mọc rễ và phát triển bình thường. Hồng môn là loại cây dễ trồng và không cần quá nhiều công chăm sóc.
Lưu ý, không nên tưới quá nhiều nước cho cây, vì điều này có thể gây úng rễ. Vào mùa mưa, chỉ cần tưới 1 lần/tuần, còn mùa khô nên tưới từ 2 đến 3 lần/tuần.
Nhiệt độ thích hợp cho hồng môn phát triển tốt là từ 15°C đến 30°C. Cây không nên đặt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, mà nên đặt trong môi trường mát mẻ.
Cây hồng môn không chỉ mang lại vẻ đẹp tươi mới cho không gian sống mà còn có ý nghĩa phong thủy tốt lành, đem lại may mắn và tài lộc. Với cách trồng và chăm sóc đơn giản, hồng môn là lựa chọn lý tưởng để trang trí và tạo năng lượng tích cực trong ngôi nhà hoặc nơi làm việc.
Nguồn: Tổng hợp