Trần gỗ có nhiều ưu điểm nổi bật như thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm… Tuy nhiên, có 7 nhược điểm khi lắp trần gỗ khiến nó bị nhiều người đưa vào “danh sách đen”.
Chi phí cao
Một trong những nhược điểm khi lắp trần gỗ là chi phí cao. Các loại gỗ tự nhiên quý như gỗ sồi, gỗ hương, hay gỗ óc chó có giá cao hơn nhiều so với vật liệu khác như thạch cao hay nhựa.
Không chỉ tốn kém về chi phí nguyên vật liệu, trần gỗ còn yêu cầu đội ngũ thợ có tay nghề cao để thi công, vì vậy chi phí nhân công cũng cao hơn so với các vật liệu khác. Chính vì vậy, lựa chọn trần gỗ sẽ làm tăng tổng chi phí cho công trình.

Dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm ướt
Gỗ là chất liệu dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, do vậy trong môi trường ẩm ướt, gỗ dễ hấp thụ độ ẩm, từ đó dẫn đến tình trạng cong vênh, nứt nẻ hoặc phồng rộp bề mặt. Những tình trạng này thường xảy ra tại các khu vực ở phòng bếp, phòng tắm hoặc ở những nơi có khí hậu ẩm ướt quanh năm.
Ngoài ra, nấm mốc cũng dễ hình thành trên bề mặt gỗ, không chỉ làm giảm tuổi thọ vật liệu mà còn khiến trần nhà mất đi tính thẩm mỹ.
Bảo trì cầu kỳ
Trần gỗ đòi hỏi phải được bảo trì định kỳ để giữ được độ bền và tính thẩm mỹ vì bề mặt gỗ có thể bị xỉn màu, trầy xước hoặc mất đi độ bóng theo thời gian.
Để duy trì trần gỗ luôn mới mẻ, bạn cần sơn lại, đánh bóng hoặc xử lý bề mặt định kỳ. Việc bảo dưỡng này đòi hỏi chi phí và công sức, nếu bỏ qua khâu bảo trì, trần gỗ rất dễ xuống cấp và không còn giữ được nét đẹp tự nhiên ban đầu.

Dễ bị mối mọt, côn trùng tấn công
Gỗ là môi trường lý tưởng của mối mọt và các loại côn trùng sinh sống. Nếu không kiểm soát tốt, chúng có thể âm thầm phá hỏng kết cấu gỗ, khiến trần nhà trở nên yếu và không an toàn. Dù có thể xử lý bằng các phương pháp chống mối mọt, việc này vẫn cần lặp lại định kỳ để đảm bảo hiệu quả. Trong trường hợp bị tấn công nghiêm trọng, chi phí sửa chữa hoặc thay thế trần gỗ có thể rất lớn.
Khó sửa chữa
Khi trần gỗ bị hư hỏng một phần, việc sửa chữa không hề đơn giản. Mỗi tấm gỗ cần được gia công riêng để phù hợp với không gian. Quá trình này không chỉ tốn thời gian và chi phí, mà còn có thể gây mất đồng đều về màu sắc và kiểu dáng của cả trần nhà, làm giảm tính thẩm mỹ tổng thể của không gian.

Trọng lượng nặng
Trần gỗ có trọng lượng khá nặng, đặc biệt khi sử dụng gỗ tự nhiên dày hoặc các tấm gỗ lớn. Điều này đòi hỏi kết cấu trần phải đủ chắc chắn để đỡ được trọng lượng của gỗ, khiến quá trình thi công phức tạp và tốn kém hơn.
Hơn nữa, việc vận chuyển, lắp đặt cũng gặp nhiều khó khăn, đôi khi buộc gia chủ phải gia cố thêm phần trần để đảm bảo an toàn và độ bền.
Dễ bị phai màu theo thời gian
Gỗ dễ bị phai màu theo thời gian, đặc biệt khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời. Nếu không được xử lý chống tia UV hoặc sơn phủ bảo vệ, gỗ sẽ dần ngả vàng, xỉn màu hoặc mất đi màu sắc ban đầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên của trần gỗ mà còn làm giảm giá trị thẩm mỹ của không gian.
Dù trần gỗ mang lại vẻ đẹp sang trọng và ấm cúng, nhưng 7 nhược điểm khi lắp trần gỗ kể trên cho thấy bạn nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn loại trần này cho công trình của mình.
Nguồn: Tổng hợp